date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN QUAN SƠN

Các phương pháp chữa bệnh tâm thần

Đăng lúc: 14:47:15 14/10/2022 (GMT+7)

Nhiều người nghĩ rằng bệnh tâm thần không bao giờ chữa lành được, hoặc muốn giấu bệnh, hoặc nghĩ rằng phải cách ly người bệnh ra khỏi xã hội. Những quan niệm này đã quá lỗi thời nhưng thực tế hiện nay còn rất phổ biến, ngay cả trong số những người dân thành phố.

Phòng bệnh tâm thần có 3 cấp độ
- Dự phòng độ I: là không để xuất hiện các rối loạn tâm thần (hiện nay y học chưa làm được)
- Dự phòng độ II: là phát hiện sớm, can thiệp sớm, điều trị sớm ngăn chặn tác hại của bệnh
- Dự phòng độ III: là phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh tâm thần để họ có thể lao động có ích cho bản thân, gia đình, xã hội và hoà nhập cộng đồng ở một mức độ nhất định (có sự phối hợp của thầy thuốc, gia đình và xã hội)

Bệnh tâm thần thực ra rất thường gặp, ai cũng có thể mắc bệnh này. Bệnh có thể điều trị được. Nhưng vấn đề là chữa tích cực, toàn diện và kiên trì mới có hy vọng lành.

Phương pháp chữa bệnh bằng thuốc
Nhờ có thuốc mà ngày nay kiến trúc bệnh viện, khoa tâm thần đã thay đổi từ hệ thống kín sang hệ thống mở. An thần kinh là thuốc điều trị chủ yếu và có rất nhiều loại. Sự lựa chọn loại thuốc, liều lượng thuốc rất khác nhau tuỳ từng trường hợp cụ thể. Hiện nay có nhiều biệt dược mới ra đời giúp thầy thuốc dễ dàng chọn lựa trong điều trị làm tăng đáng kể hiệu quả chữa bệnh tâm thần.

Chữa bệnh tâm thần không phải chỉ bằng thuốc men. Thuốc rất quan trọng để dập tắt nhanh chóng các cơn kích động dữ dội, cơn phá phách. Một khi cơn qua rồi, ngoài việc chú ý tiếp tục dùng thuốc, phải đồng thời tiến hành các phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý, bằng nghệ thuật như âm nhạc, hội hoạ, bằng vật lý trị liệu và thể dục thể thao cũng như các phương pháp lao động tái thích ứng xã hội.

Phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý
Can thiệp về tâm lý cần cho tất cả các loại bệnh, và đặc biệt cần thiết trong chữa bệnh tâm thần. Những bệnh tâm thần do căn nguyên tâm lý thì nhất định phải dùng liệu pháp tâm lý mới có kết quả tốt được.

Tại các bệnh viện tâm thần ban ngày, các phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý rất được coi trọng. Những tác động tâm lý trực tiếp là các liệu pháp: giải thích hợp lý, ám thị…, còn những tác động tâm lý gián tiếp chính là mô hình tiến bộ của bệnh viện ban ngày thể hiện ở cách bố trí các buồng bệnh, các buồng PHCN… sao cho người bệnh cảm thấy thoải mái, không có ấn tượng bị giam giữ hoặc bị cách ly với xã hội bên ngoài. Thêm vào đó là tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế – những người biết yêu ngành, yêu nghề, yêu thương người bệnh như ruột thịt, làm cho người bệnh tin tưởng để có thể nói ra những uẩn khúc trong lòng đã góp phần gây ra bệnh tâm thần.

Chữa bệnh bằng phương pháp lao động – tái thích ứng xã hội
Lao động ở đây nhằm mục đích điều trị người bệnh, có tác dụng khôi phục các hoạt động tâm thần của người bệnh. Người bệnh tâm thần nếu không được hướng dẫn lao động, dễ đi vào thế giới tự kỷ và mau chóng đi đến trạng thái tâm thần sa sút.

Liệu pháp lao động là hình thức cơ bản nhất để người bệnh tái thích ứng xã hội. Chỉ có lao động có tổ chức thì người bệnh mới gắn bó với tập thể, với xã hội. Bệnh viện tâm thần hoặc khoa tâm thần nào mà không tổ chức cho người bệnh lao động, là những bệnh viện và bệnh khoa không có sức sống, vào đấy sẽ thấy thiếu không khí sinh động, người bệnh khi thì trùm chăn ngủ suốt ngày, khi thì ngồi yên lặng một xó nhà, hoặc trêu chọc, phá phách, vẽ bậy lên tường, đi trốn…

Vì sao lao động lại đóng góp vào việc chữa bệnh tâm thần? Lao động huy động mọi khả năng hoạt động tâm thần của người bệnh, làm cho người bệnh tập trung chú ý và tăng cường ý chí, phát huy sáng kiến làm cho sản phẩm ngày một tốt hơn. Lao động làm cho người bệnh quên hết những cảm giác khó chịu do ảo giác và hoang tưởng gây ra, làm cho người bệnh bớt lo lắng về bệnh tật, làm mất đi những ý nghĩ đen tối, tiêu cực dễ xảy ra khi người bệnh ngồi không một mình. Lao động còn làm cho người bệnh vui vẻ phấn chấn hơn vì họ cảm thấy có ích cho xã hội…

Chữa bệnh tâm thần là một khoa học, nhưng cũng là một công tác tổ chức. Thầy thuốc chuyên khoa tâm thần chỉ giỏi chuyên môn chưa đủ, mà còn phải có khả năng làm công tác tổ chức, tuyên truyền vận động nhằm đạt được sự chuyển biến lớn về quan niệm, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, một sự phối hợp của nhiều ngành trong xã hội.
Trên quan điểm nhân đạo cao cả, người bệnh tâm thần cần được đối xử, chữa chạy tích cực như các bệnh khác. Chúng ta tin tưởng rằng trong một tương lai không xa ngày càng có nhiều người bệnh tâm thần ở nước ta cũng sẽ được chữa bệnh theo một đường lối mới, theo những phương pháp khoa học tiên tiến./.

BS Trần thị Hồng Thu